Hợp đồng đặt cọc nhà đất là gì, nên trình bày như thế nào và có giá trị pháp lý hay không? Pháp luật quy định ra sao về việc công chứng hợp đồng đặt cọc? Hãy cùng LandGuru tìm hiểu ngay những thông tin chi tiết nhất nhằm tự mình giải đáp mọi thắc mắc:
Hợp đồng đặt cọc nhà đất là gì?


Bộ Luật Dân sự năm 2015, Điều 328, Khoản 1 quy định: Đặt cọc mua bán nhà đất là việc bên mua giao cho bên bán một khoản tiền mặt, đá quý, kim khí hoặc một tài sản giá trị nào đó nhằm làm cơ sở đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng mua bán nhà đất.
Sau đây là một số thông tin, quy định pháp lý cụ thể xoay quanh hợp đồng đặt cọc nhà đất:
- Quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi thực hiện hợp đồng đặt cọc nhà đất
- Nhà nước quy định như thế nào về mức phạt cọc khi vi phạm hợp đồng đặt cọc nhà đất?
- Trường hợp nào không bị phạt cọc khi một trong hai bên từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng?
Quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi thực hiện hợp đồng đặt cọc nhà đất


Đối với bên đặt cọc (bên mua)
- Bên mua (bên đặt cọc) cần thực hiện việc bàn giao đúng số tiền, tài sản đặt cọc cho bên bán (bên nhận đặt cọc) theo như giao kết trong hợp đồng
- Đảm bảo thực hiện việc giao kết hợp đồng cũng như hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ đã được thỏa thuận
- Bên đặt cọc có thể được nhận lại số tiền, tài sản đặt cọc trong trường hợp hợp đồng đã giao kết xong. Hoặc số tiền, tài sản này sẽ được trừ thẳng vào giá trị tài sản cần thanh toán tùy theo thỏa thuận giữa hai bên
- Nếu bên đặt cọc từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình thì sẽ bị phạt mất một phần hoặc toàn bộ số tiền, tài sản đã đặt cọc cho bên nhận cọc (cụ thể nêu rõ trong hợp đồng đặt cọc nhà đất)
Đối với bên nhận cọc (bên bán)
- Bên bán (bên nhận cọc) được bên mua (bên đặt cọc) bàn giao đúng số tiền, tài sản đặt cọc theo như giao kết trong hợp đồng nhằm đảm bảo việc thực hiện giao dịch
- Bên bán cần chuẩn bị giấy tờ, thủ tục nhằm hỗ trợ bên mua thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận mua bán giữa hai bên
- Bên bán cần phải trả lại tiền, tài sản đặt cọc cho bên mua sau khi giao dịch đã được hoàn tất. Hoặc nếu có thỏa thuận giữa hai bên thì số tiền, tài sản này sẽ được trừ thẳng vào giá trị tài sản bên mua cần thanh toán
- Nếu bên bán từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình thì sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền, tài sản đặt cọc và bồi thường cho bên mua một số tiền, tài sản theo thỏa thuận ban đầu giữa hai bên (cụ thể nêu rõ trong hợp đồng đặt cọc nhà đất)
Nhà nước quy định như thế nào về mức phạt cọc khi vi phạm hợp đồng đặt cọc nhà đất?
Bộ Luật Dân sự năm 2015, Điều 328, Khoản 2 đã nêu quy định về mức phạt cọc khi một trong hai bên đương sự vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc nhà đất như sau:
- Trường hợp bên đặt cọc vi phạm hợp đồng thì sẽ phải chịu phạt mất toàn bộ số tiền, tài sản đặt cọc cho bên nhận cọc.
- Ngược lại, nếu bên nhận cọc vi phạm hợp đồng thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền, tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc. Kèm theo đó là một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc.
- Hai bên đương sự được quyền có những thỏa thuận khác về mức phạt cọc. Mức phạt cọc có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức được Nhà nước đưa ra nhưng cần tuân theo các quy chuẩn đạo đức xã hội và cần được ghi rõ trong hợp đồng đặt cọc nhà đất.
Trường hợp nào không bị phạt cọc khi một trong hai bên từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng?
Trường hợp khi ký hợp đồng đặt cọc mua bán bất động sản, hai bên không ghi chú rõ ràng khoản tiền được bên mua giao cho bên bán là tiền cọc hay tiền trả trước thì số tiền này sẽ mặc định được cho là tiền trả trước. Khi có tranh chấp xảy ra hoặc một trong hai bên từ chối thực hiện hợp đồng thì sẽ không bị phạt cọc.
Quy định của Nhà nước về công chứng hợp đồng đặt cọc nhà đất


Quy định của Nhà nước về công chứng hợp đồng đặt cọc nhà đất thế nào? Liệu có bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng đặt cọc mua bán bất động sản hay không? Cùng LandInfo giải đáp nhanh nhé:
- Hợp đồng được công chứng sẽ có giá trị pháp lý như thế nào?
- Các loại hợp đồng nào bắt buộc phải công chứng theo quy định pháp luật?
- Như vậy, có bắt buộc phải công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán bất động sản không?
- Hợp đồng đặt cọc nhà đất sẽ trở nên vô hiệu khi nào?
Hợp đồng được công chứng sẽ có giá trị pháp lý như thế nào?
Luật Công chứng năm 2014, Điều 5 quy định cụ thể về giá trị pháp lý của các loại văn bản, hợp đồng được công chứng như sau:
- Các loại văn bản, hợp đồng được thực hiện công chứng sẽ có giá trị pháp lý tính từ thời điểm được công chứng viên ký tên, đóng dấu theo đúng quy định, trình tự của pháp luật.
- Hợp đồng công chứng có giá trị hiệu lực ràng buộc pháp luật giữa các bên đương sự có liên quan. Trường hợp một bên đơn phương vi phạm hợp đồng thì bên còn lại có quyền đệ đơn lên Tòa án yêu cầu được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân.
- Trong quá trình Tòa án thực hiện thủ tục tố tụng dân sự, các văn bản hợp đồng công chứng được xem là những chứng cứ không cần phải chứng minh trước tòa, trừ trường hợp hợp đồng bị vô hiệu.
Các loại hợp đồng nào bắt buộc phải công chứng theo quy định pháp luật?
Căn cứ theo:
- Bộ Luật Dân sự năm 2015, Điều 459 và Điều 119, Khoản 2
- Luật Nhà ở năm 2014, Điều 122
- Luật Đất đai năm 2013, Điều 167
Có những loại hợp đồng sau đây bắt buộc phải công chứng theo quy định thì mới có giá trị pháp lý cũng như được pháp luật công nhận:
- Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng bất động sản
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Hợp đồng góp vốn hoặc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Hợp đồng cho, tặng quyền sử dụng bất động sản
- Văn bản thừa kế quyền sử dụng bất động sản
Như vậy, có bắt buộc phải công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán bất động sản không?
Như vậy, hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc công chứng đối với hợp đồng đặt cọc mua bán bất động sản. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến, tránh những tranh chấp sau này thì Nhà nước khuyến khích người dân nên thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Hợp đồng đặt cọc nhà đất sẽ trở nên vô hiệu khi nào?
Hợp đồng đặt cọc mua bán bất động sản được pháp luật quy định là một loại giao dịch dân sự. Căn cứ theo Bộ Luật Dân sự, một giao dịch dân sự cần tuân thủ các điều kiện về nội dung được quy định tại Điều 117 và các điều kiện về hình thức được quy định tại Điều 119, cụ thể như sau:
- Các bên đương sự thực hiện hợp đồng cần có năng lực hành vi dân sự cũng như năng lực pháp luật phù hợp với giao dịch mà mình đang thực hiện.
- Các bên đương sự tham gia giao kết hợp đồng trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.
- Nội dung và mục đích hợp đồng không trái với đạo đức xã hội, không vi phạm những điều bị cấm theo quy định của Nhà nước.
- Một số giao dịch dân sự cần phù hợp về mặt hình thức được pháp luật quy định thì mới được công nhận có hiệu lực.
Như vậy, hợp đồng đặt cọc nhà đất nếu không thỏa đủ các điều kiện kể trên sẽ trở nên vô hiệu.
Mẫu hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất chuẩn 2022
Dưới đây là một mẫu đặt cọc mua bán nhà đất chuẩn năm 2022 mà bạn có thể tham khảo:


Giấy giao nhận tiền đặt cọc mua bán nhà đất là gì?
Giấy giao nhận tiền đặt cọc mua bán nhà đất là một loại giấy tờ pháp lý rất quan trọng. Trong đó ghi nhận các thông tin có giá trị pháp lý dùng làm căn cứ cho việc giao kết hợp đồng mua bán đất giữa các bên đương sự có liên quan. Cụ thể trên biểu mẫu này sẽ trình bày các nội dung sau:
- Thông tin về các bên đặt cọc – nhận đặt cọc
- Cụ thể tổng số tiền, tài sản đặt cọc được thể hiện bằng số và bằng chữ
- Lý do và thời hạn đặt cọc
- Chữ ký xác nhận của hai bên
Mẫu giấy giao nhận tiền đặt cọc mua bán nhà đất đơn giản
Dưới đây là hình ảnh mẫu giấy giao nhận tiền đặt cọc mua bán nhà đất đơn giản thường được sử dụng:


Trên đây là toàn bộ những thông tin, quy định pháp lý quan trọng về hợp đồng đặt cọc nhà đất. Theo dõi LandGuru.com.vn thường xuyên để biết thêm những thông tin hữu ích về thị trường bất động sản cũng như đăng tin mua bán nhà đất chính chủ nếu có nhu cầu nhé!